Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Vụ PVC lỗ 3.300 tỷ đồng: "Chưa bắt được Trịnh Xuân Thanh, đủ chứng cớ vẫn xét xử"

Nếu chưa bắt được ông Trịnh Xuân Thanh, hồ sơ vụ án sẽ được tách ra để điều tra tiếp.
Nếu chưa bắt được ông Trịnh Xuân Thanh, hồ sơ vụ án sẽ được "tách ra để điều tra tiếp".

Theo bản tập hợp trả lời kiến nghị cử tri trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, cử tri tỉnh Phú Yên và TPHCM kiến nghị cơ quan chức năng cần tích cực điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật về vụ sai phạm ở Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh và các vụ án tham nhũng như báo chí đã đưa tin, đồng thời thông tin cử tri kết qủa vụ việc.

Trả lời về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cho biết, liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVC, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 bộ luật Hình sự.

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự.

Ngày 15/2/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, về tội tham ô tài sản, Điều 278 Bộ Luật hình sự, bao gồm: ông Lương Văn Hoà, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; ông Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; Ông Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Giám đốc Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty miền Trung; bà Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Bà Hoa hiện đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

"Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước", Thanh tra Chính phủ cho biết.

Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan chức năng hiện đang phối hợp với Interpol để bắt. Trong trường hợp nếu chưa bắt được ông Trịnh Xuân Thanh, hồ sơ vụ án sẽ được "tách ra để điều tra tiếp". Vụ thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) nếu đủ chứng cứ kết tội vẫn xét xử. Trước đó, ngày 6/12/2016, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam sẽ phối hợp với Interpol các nước để "bắt bằng được" ông Thanh.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc điều tra, xử lý tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc trách nhiệm của Bộ Công an; hiện tại cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và đang điều tra vụ án.

"Thanh tra Chính phủ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiến hành thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC trọng tâm là đầu tư, thực hiện dự án. Hiện tại vẫn trong thời gian thanh tra trực tiếp chưa xong. Khi kết thúc thanh tra, có kết luận, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo kết quả và kiến nghị xử lý theo quy định", báo cáo cho biết thêm.

Như Dân trí đưa tin trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ thứ IV và thứ V của Ủy ban, trong đó có việc xem xét, kết luận các nội dung về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong những vi phạm, khuyết điểm của ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.

Phương Dung

Tag :trịnh xuân thanh, pvc, thua lỗ, Thanh tra Chính phủ, vụ án tham nhũng

Người Việt sẽ tiêu thụ lên tới 28 lít sữa/năm

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 28/6/2010: Năm 2015, Việt Nam sản xuất 1,9 tỷ lít sữa tươi, mức tiêu thụ đạt trung bình 21 lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 90-100 triệu USD; đến năm 2020 sản xuất 2,6 tỷ lít, mức tiêu thụ 27 lít/ người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 120-130 triệu USD và đến năm 2025 sản xuất 3,4 tỷ lít, mức tiêu thụ 34 lít/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD.

Hiện nay mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam năm 2015 đã đạt 23 lít/người, năm 2016 đạt 24 lít /người và năm 2017 dự kiến sẽ đạt 26 lít /người.

Mức tiêu thụ sữa của người Việt vẫn còn thấp so với các nước đang phát triển khá (ảnh minh họa).

Mức tiêu thụ sữa của người Việt vẫn còn thấp so với các nước đang phát triển khá (ảnh minh họa).

Tại Hội thảo "Tương lai ngành sữa Việt Nam trước xu thế mới", ông Bùi Trường Thắng, Phó vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết, với xu thế phát triển hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng đa dạng. Người dân không chỉ dùng sữa tươi, sữa bột mà còn dùng các loại sữa khác như: sữa chua, sữa tiệt trùng, sữa lên men…

Đánh giá về triển vọng và xu hướng tương lai của ngành sữa và thực phẩm dạng lỏng đóng hộp Việt Nam, ông Robert Graves, Tổng giám đốc Công ty CP Tetra Pak Việt Nam cho biết: Nền kinh tế tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh trong khu vực, với mức 6,2% trong năm 2016, từ đó dẫn tới việc thu nhập của người dân tăng. Tuy nhiên mức độ tiêu thụ đồ uống bổ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các mặt hàng khác trong khu vực.

"Ngành sữa mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng hơn 20 năm và hiện còn khá trẻ so với các nước đã và đang phát triển khác. Mức độ tiêu thụ sữa tại Việt Nam vào năm 2010 là 15 lít sữa bình quân đầu người và ước tính con số này sẽ tăng lên 28 lít sữa vào năm 2020. Đây là một bước tiến lớn", ông Robert Graves bình luận.

Dữ liệu tại hội thảo cho thấy, hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực nông thôn đã bắt đầu được tiếp cận với sản phẩm sữa an toàn nhờ vào công nghệ tiệt trùng các hãng sữa. Công nghệ này cho phép các sản phẩm sữa được phân phối tới những nơi xa xôi một cách an toàn với chi phí thấp vì không đòi hỏi điều kiện bảo quản lạnh.

Thêm vào đó, những người sinh những năm cuối năm 1980 tới đầu 2000 là thế hệ đầu tiên ở Việt Nam được tiếp cận thường xuyên với sản phẩm sữa. Nhưng khi bước vào giai đoạn trưởng thành, họ bắt đầu tìm kiếm những sản phẩm phù hợp hơn với lối sống năng động của mình. Họ có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm đóng gói có lợi cho sức khoẻ, có thiết kế độc đáo, tiện dụng khi di chuyển và thân thiện với môi trường.

Theo thống kê, thế hệ trẻ từ 16 đến 30 tuổi chiếm gần 1/3 dân số. Ngoài ra, chất lượng và an toàn thực phẩm hiện nay là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết. Xu hướng hiện nay là các nhà sản xuất đang phải kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn, thông qua việc cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng đang diễn ra mạnh mẽ, len lỏi tới mọi lĩnh vực khác nhau của hoạt động sản xuất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao kiểm soát chất lượng.

An Hạ

Tag :tiêu thụ sữa, công nghiệp chế biến, sữa Việt Nam, Kim ngạch xuất khẩu

Vụ tôm hùm chết hàng loạt: Sở kết luận do mật độ nuôi quá dày

Theo ước tính thì đợt tôm hùm chết hàng loạt này đã cướp đi của người nuôi tôm Phú Yên hơn 400 tỷ đồng.
Theo ước tính thì đợt tôm hùm chết hàng loạt này đã cướp đi của người nuôi tôm Phú Yên hơn 400 tỷ đồng.

Sau khi sự cố trên xảy ra, ngày 27/5 các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên đã kết luận: Do mật độ nuôi còn quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số con/trên một lồng nuôi, thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi. Mặt khác thời tiết chuyển đổi đột ngột mưa nắng thất thường; đồng thời khu vực tôm chết xuất hiện nhiều tảo gây hiện tượng thiếu ô xy cục bộ làm tôm hùm chết hàng loạt.

Kết luận ban đầu là vậy, nhưng người nuôi tôm vẫn cho là không đúng và nghi ngờ doanh nghiệp xả thải. Theo đó, liên tiếp những ngày qua, hàng trăm người dân đã nhiều lần tập trung xung quanh cơ sở chế biến hải sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng tại xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) để yêu cầu làm rõ nghi ngờ công ty này xả thải trái phép ra môi trường biển, làm chết tôm hùm nuôi của dân.

Ngày 31/5, đại diện UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, sau khi người dân phản ứng tập thể vì cho rằng công ty xả thải gây ra chết tôm hùm, chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc đối thoại vận động người dân chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Liên quan đến việc này, trước đó ông Nguyễn Hưng Hòa - Giám đốc Nguyễn Hưng cũng thừa nhận: Hai tháng qua, công ty đang khắc phục bể khử trùng, bể lắng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy lên khoảng 120 m3/ngày nên hiện tại công ty chỉ xử lý đến công đoạn Aerotank. Sau đó, đơn vị dùng xe bồn vận chuyển lượng nước thải này đến nhà máy bột cá Phú Bình để tiếp tục xử lý nên không có việc xả nước gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại công ty này đã tạm ngưng hoạt động, chờ kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng.

Người dân kéo về công ty TNHH Nguyễn Hưng phản ứng tập thể vì cho rằng doanh nghiệp này xả thải gây ra chết tôm hùm.
Người dân kéo về công ty TNHH Nguyễn Hưng phản ứng tập thể vì cho rằng doanh nghiệp này xả thải gây ra chết tôm hùm.

Ngay sau khi nhận được tin người dân phản ứng tập thể, ngày 29/5 ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo cho cơ quan chuyên ngành lấy mẫu nước tại Nguyễn Hưng để đưa kiểm định cụ thể.

Ông Thế cũng nói thêm: “Nếu người dân không tin tưởng thì người dân có thể thuê đơn vị độc lập để kiểm tra vấn đề này. Nếu doanh nghiệp thực sự sai, thì UBND tỉnh sẽ xử lý theo quy định luật pháp hiện hành”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành lấy mẫu nước thải tại cơ sở trên để đưa xét nghiệm. Dự kiến, khoảng một tuần nữa mới có kết quả chính thức.

Tình trạng tôm hùm nuôi ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa chết rải rác và hàng loạt đã xảy ra thường xuyên trong vòng hai năm trở lại đây. Trước tình trạng này, để giải cứu tôm hùm hiện tại tỉnh Phú Yên đã có quy hoạch 1.600 ha nuôi tôm hùm với phương châm nuôi đa dạng, áp dụng công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm, tránh phát sinh dịch bệnh và đa dạng mô hình nuôi (tôm hùm nuôi sẽ được định hướng nuôi ở các vùng biển mở thay vì khi chỉ nuôi ở vùng vịnh vùng biển kín như hiện nay).

Ông Nguyễn Tri Phương – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên nói: Vừa qua Bộ NN&PTNN đã giao cho Phú Yên cố gắng xây dựng từng bước một về quy hoạch nuôi tôm hùm. Đến nay, Sở đã thực hiện được quy hoạch tổng thể và xác định vùng còn một số giai đoạn sau thì đang cố gắng hoàn thiện…

Trước thực trạng tôm hùm chết hàng loạt như trên đã gây thiệt hại cho người nuôi tôm hàng trăm tỷ đồng. Thiết nghĩ, sau sự cố này, UBND tỉnh Phú Yên cần gấp rút xây dựng hoàn thiện quy hoạch khu vực nuôi tôm hùm mới. Để người nuôi tôm bớt thấp thỏm lo âu khi bỏ hàng tỷ đồng ra đầu tư, nhưng rủi ro cho việc nuôi tôm là quá lớn.

Trung Thi

Tag :tỉnh Phú Yên, nuôi tôm hùm, tôm hùm chết hàng loạt, ô nhiễm nguồn nước

Mất tiền trong tài khoản, lỗ hổng ở bảo mật thông tin khách hàng?

Như mọi người đã biết, thẻ ở Việt Nam đang sử dụng là thẻ từ. Tuy nhiên, đối với các tổ chức thẻ trên thế giới, việc sử dụng thẻ chip hay còn gọi là EMV là điều bắt buộc. Vì vậy, các ngân hàng ở Việt Nam đang trong quá trình dịch chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip. Và động thái mạnh mẽ gần đây từ Ngân hàng Nhà nước là Thông tư 36 về việc yêu cầu các ngân hàng thành viên phải tuân thủ việc nâng cấp các phầm mềm mới nhất cho ATM để đảm bảo an toàn thông tin của khách hàng. Đồng thời, sẵn sàng đảm bảo các tiêu chí an ninh, bảo mật trên ATM để đảm bảo các thông tin của khách hàng không bị thất thoát. Song song đó, một dự án xây dựng tiêu chuẩn thẻ chip nội địa dự kiến hoàn thành trong năm 2020 cũng đang được triển khai.

Hiện tại Diebold Nixdorf cũng đang tham gia dự án cùng Ngân hàng Nhà nước để tiến hành thử nghiệm các tiêu chuẩn thẻ chip mới, và mọi việc đang diễn ra theo đúng lộ trình. Diebold Nixdorf cho rằng đây không còn là cơ hội nữa, mà là vấn đề bắt buộc cho các ngân hàng thành viên, cũng như Diebold Nixdorf làm sao để phối hợp với các ngân hàng nhằm đảm bảo thông tin trên thẻ của người dùng được an toàn và tránh những trường hợp thất thoát hay bị mất trộm.

Chi phí thẻ chip liệu có đắt hơn thẻ từ nhiều không?

Diebold Nixdorf không phải là đối tác cung cấp thẻ chip và thẻ từ. Thẻ từ và thẻ chip khác nhau về mặt công nghệ và chắc chắn thẻ chip có chi phí cao hơn thẻ từ.

Đâu là điểm mạnh của Diebold Nixdorf tại thị trường Việt Nam, là kỹ thuật, an toàn, chất lượng hay sự liên kết giữa các đối tác?

Diebold Nixdorf là công ty đã hoạt động lâu năm và khởi đầu trong lĩnh vực an ninh bảo mật, do đó chúng tôi luôn tập trung vào việc đảm bảo các tiêu chuẩn bảo mật của các sản phẩm ở mức cao nhất. Hiện tại, chúng tôi đã giới thiệu một loại đầu đọc thẻ thế hệ mới trên phạm vi toàn cầu, thay vì đưa thẻ theo chiều dọc thì sẽ đưa theo chiều ngang để hạn chế việc thông tin trên thẻ bị đánh cắp. Và đến thời điểm hiện tại, chưa hề có thông tin nào ghi nhận về việc thông tin thẻ bị đánh cắp từ đầu đọc thẻ ActivEgde của chúng tôi.

Loại đầu đọc thẻ này sẽ mang đến những tiện ích gì tốt hơn và khác biệt gì so với đầu đọc thẻ thông thường?

Bình thường trên mỗi chiếc thẻ đều có một dải băng từ theo chiều dọc. Nếu trong trường hợp đầu thẻ giả được lắp đặt trên ATM sẽ đọc được thông tin trên thẻ theo chiều dọc khi người sử dụng đưa vào trong máy. Chúng tôi thay đổi đường đi của chiếc thẻ. Khi đưa thẻ vào theo chiều ngang, đầu đọc thẻ giả sẽ chỉ đi qua được một đoạn chứ không phải toàn bộ dải từ trên thẻ. Đó là lý do vì sao ActivEdge có thể giải quyết được hết các vấn đề liên quan đến ăn cắp thông tin thẻ khi mà thẻ từ vẫn còn được sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một lớp an ninh bảo mật tăng cường khác, cũng như cho các phần mềm giúp nâng cao khả năng bảo mật. Hiện tại chưa có ngân hàng nào tại Việt Nam triển khai loại hình đầu đọc thẻ ActivEdge này.

Thay đổi đầu đọc thẻ theo chiều ngang thì có phải thay đổi toàn bộ máy không?

Không, ngân hàng chỉ cần thay đổi một bộ phận là đầu đọc thẻ.

Mấy năm trước, các ngân hàng đổ xô lập các ATM riêng rẽ nhưng hiện tại họ đã chủ động làm các ngân hàng liên kết sử dụng banknet. Vậy việc cung cấp phần cứng có được coi là xu hướng trong thời gian tới nữa không khi các ngân hàng giảm lượng giao dịch qua ATM?

Chúng tôi cũng đã tiên liệu trước về việc này. Nếu chúng ta nhìn theo hướng thương mại kết nối (connected commerce) thì sự kết nối giữa các ngân hàng, giữa các nhà bán lẻ với nhau vẫn là xu hướng. Còn việc gửi tiền mặt hay rút tiền mặt từ máy có bao giờ chấm dứt hay không thì theo chúng tôi là không hoặc sẽ còn rất lâu nữa. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trong cả hai lĩnh vực: giao dịch sử dụng tiền mặt và phi tiền mặt.

Thưa ông Khôi, Diebold Nixdorf có rất nhiều máy móc công nghệ hiện đại. Tuy nhiên hiện tại ở Việt Nam, người dân chủ yếu ra ATM để rút tiền và chuyển khoản. Mà việc chuyển khoản còn rất ít, chủ yếu là để rút tiền. Trong khi máy của Diebold Nixdorf còn có rất nhiều tính năng khác như thương mại điện tử, thẻ… vậy Diebold Nixdorf đã kết hợp với ngân hàng nào để triển khai những dịch vụ này chưa và bao giờ sẽ đưa ra các sản phẩm mới trên thị trường?

Diebold Nixdorf không đưa ra những sản phẩm chung chung, mà những sản phẩm Diebold Nixdorf hiện có là các bước để ngân hàng chuyển dịch từ mô hình chi nhánh thuần túy sang một chi nhánh hiện đại. Máy ATM của chúng tôi có thể giúp giảm thiểu các hoạt động của giao dịch viên trong việc trả tiền mặt. Máy xoay vòng tiền giúp giảm tải công việc của thu ngân trong việc gửi và rút tiền. Máy thứ ba dùng để hỗ trợ giao dịch viên, tăng hiệu quả của họ. Máy thứ tư hoàn toàn giải phóng giao dịch viên ra khỏi những công việc như là rút gửi tiền, mở tài khoản, mở thẻ cho khách hàng. Trong trường hợp ngân hàng thực hiện đúng các bước như vậy sẽ đạt được mục tiêu branch transformation – chuyển đổi mô hình chi nhánh – giúp tối ưu hiệu quả hoạt động của ngân hàng và đem lại những trải nghiệm mới cho người dùng. Và các ngân hàng ở Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn với việc bắt đầu có sự chuyển dịch về mô hình chi nhánh.

Hiện tại trên thị trường có rất nhiều ngân hàng, và điểm khác biệt chính là những bước chuyển dịch mang tính chất công nghệ, tương tác, như với các bên bán lẻ và các tổ chức khác để cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau trên một máy tự động và đó là cách thức ngân hàng hướng đến để thu hút và gia tăng giá trị cho khách hàng bằng những trải nghiệm mới, qua đó gia tăng số lượng giao dịch cũng như các khoản phí tương ứng. Ví dụ, trong các giao dịch bán lẻ thì ngân hàng sẽ được hưởng những khoản phí từ khách hàng tại điểm giao dịch, đồng thời khách hàng cũng sẽ nhận được những sự thuận tiện khi thanh toán và những lợi ích hàng từ ngân hàng phát hành thẻ.

Làm việc với nhiều đối tác Ngân hàng Việt Nam, ông đánh giá việc tiếp nhận các công nghệ mới của họ thế nào? So sánh ngân hàng quốc doanh và ngân hàng TMCP thì có sự khác biệt lớn không vì ngân hàng TMCP rất sốt sắng với các công nghệ tiện ích hiện nay nhưng các ngân hàng quốc doanh thì có vẻ chậm hơn?

Nếu xét về phương diện tìm hiểu những cái mới và để chuẩn bị cho những cái mới thì không có sự khác biệt giữa ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, ngân hàng quốc doanh có quy mô rất lớn nên mọi sự thay đổi sẽ phải có quy trình nhất định của họ. Đối với ngân hàng TMCP, quy mô nhỏ hơn, linh hoạt hơn, nhưng khả năng triển khai thành công hay không thì cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Xin cám ơn ông!

Hà Anh

Tag :bảo mật thông tin, giao dịch qua ATM, sử dụng thẻ

Căn hộ sinh thái - Lựa chọn sống của người thành đạt

Căn hộ sinh thái lên ngôi

Chị Trần Thu Uyên là người đã nhiều năm sinh sống và làm việc tại Singapore, chị Uyên đã sống tại những căn hộ xanh của Singapore theo tiêu chuẩn cao nhất hưởng trọn không gian xanh, cùng những tiện ích đi kèm. Khi trở về Việt Nam sinh sống và làm việc chị Uyên cũng muốn tìm cho mình một căn hộ đáp ứng được các tiêu chí môi trường trong xanh, không gian thoáng đãng, có công viên cho trẻ con vui chơi và cũng phải thật an toàn, an ninh. Theo chị Uyên, một dự án tốt phải đáp ứng được các tiêu chí về tiện ích như diện tích công viên cây xanh, thiết kế cảnh quan…“Nếu dự án đó gần sông, hồ thì càng tốt vì không khí sẽ càng mát mẻ, trong lành. Tuy nhiên, dự án cũng không quá xa trung tâm thành phố vì còn thuận tiện để đi làm hằng ngày”, chị Uyên chia sẻ thêm.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho biết: “Nếu trước đây, người mua nhà chỉ mong có được chốn an cư thì nay họ đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở. Cụ thể, khách hàng nhắm tới những dự án có nhiều tiện ích nội khu, có diện tích mảng xanh lớn mà không quá xa trung tâm thành phố. Chính vì vậy, dự án hội tụ được các yếu tố trên sẽ trở thành điểm sáng trên thị trường bất động sản”.

Jamona Heights nằm trong khu khép kín nên thừa hưởng toàn bộ tiện ích nội khu của Jamona Golden Silk
Jamona Heights nằm trong khu khép kín nên thừa hưởng toàn bộ tiện ích nội khu của Jamona Golden Silk

Nói về xu hướng sống xanh, sinh thái ông Phạm Điền Trung – TGĐ Sacomreal bày tỏ quan điểm: “Không gian xanh là tiêu chuẩn sống mà bất kỳ người dân nào cũng mong muốn được tận hưởng. Sự thật là những dự án dành nhiều diện tích cho không gian xanh đều mang lại sự hài lòng hơn.. Đặc biệt, hiện nay không chỉ người lớn tuổi mà cả lớp trẻ cũng xem trọng tiêu chuẩn này. Mong muốn đó đã tạo nên xu hướng mới trong việc lựa chọn căn hộ của người trẻ thành đạt ”

Đón đầu nhu cầu dịch chuyển về nhà ở thiên hướng gần thiên nhiên, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã tập trung xây dựng các tiện ích và không gian xanh nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng. Đặc biệt những dự án sinh thái khép kín có vị trí gần trung tâm thành phố lại được khách hàng đón nhận.

Căn hộ sinh thái –Nổi bật với 70% diện tích xanh bao phủ

Jamona Heights là khu căn hộ sinh thái có vị trí trung tâm, nằm trong khu biệt lập thuộc dự án Jamona Golden Silk do Sacomreal phát triển, với 2 mặt giáp sông, cư dân Jamona Heights hoàn toàn yên tâm tận hưởng không gian xanh mát mỗi ngày. Hướng đến tiêu chuẩn sinh thái, từng căn hộ tại đây đều được thi công và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Các căn hộ được thiết kế hợp lý, khoa học, 100% căn hộ đều có logia để đón nắng gió tự nhiên.

Công viên trẻ em nằm trong khuôn viên dự án Jamona Heights đã hoàn thiện
Công viên trẻ em nằm trong khuôn viên dự án Jamona Heights đã hoàn thiện

Hướng tới đối tượng là những gia đình trí thức trẻ và thành đạt, có độ tuổi từ 27 – 40, dự án Jamona Heights mang đến sức hút mới cho người mua nhà nhờ thiết kế thân thiện môi trường, nhiều tiện ích cùng phương thức thanh toán hấp dẫn: chỉ thanh toán 400 triệu cho căn hộ 2,2 tỷ, khách hàng sẽ không phải thanh toán thêm bất kì một khoản nào cho đến khi nhận nhà hoàn thiện vào quý 3/2018.

Đây là một trong những phương thức thanh toán đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, tránh được rủi ro mua nhà trên giấy.

T. Hằng

Tag :người thành đạt, không gian thoáng đãng, Đô thị hóa

Đất nền trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, con gà vẫn đẻ trứng vàng?

Khan hiếm đất nền - dấu hiệu của tiềm năng thương mại mạnh mẽ

Song song với hạ tầng quy hoạch của thành phố về phía Tây Hà Nội, hàng loạt tuyến đường kết nối giữa trung tâm và khu vực phía Tây có các sản phẩm bất động sản được dậy sóng: từ nguồn cung khan hiếm đến giá trị sở hữu đều đẩy lên cao trào.

Đặc biệt, có thể dễ dàng nhận ra các tuyến đường trọng điểm kết nối đang được khai phá: Tuyến đường Nguyễn Trãi - Quang Trung, Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nam Thăng Long, … đều là những khu vực có mật độ xây dựng các tòa nhà cao tầng lớn với độ dài khoảng 5 km chạy qua 3 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, tới Hà Đông) có 30 tòa chung cư hiện hữu và 25 dự án đang triển khai. Dễ dàng điểm tên hàng loạt các tòa nhà đã đi vào hoạt động với lượng lớn dân cư như: The Light Tower, Chung cư Bắc Hà, Tây Hà, C14, The Pride... và các dự án sẽ hoàn thiện trong năm tới: HPC Landmark 105 với 800 căn hộ,Tổ hợp chung cư Roman Plaza 800 căn hộ, Ecolife Capital 760 căn, Anland với hơn 500 căn hộ, Hà Nội Landmark 51...

Một góc nhìn về mật độ dân số trong khu vực Lê Văn Lương trong giờ tan tầm
Một góc nhìn về mật độ dân số trong khu vực Lê Văn Lương trong giờ tan tầm

Theo tiến độ triển khai đang được duy trì như thời điểm hiện tại, dự kiến trong vòng 2 năm nữa, trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu sẽ thực sự trở thành khu vực sầm uất, một thành phố thu nhỏ với hệ thống dịch vụ, hạ tầng đầy đủ đáp ứng theo tiêu chuẩn mức sống cao.

Trứng vàng trên tuyến đường huyết mạch Lê Văn Lương - Tố Hữu

Xét trên thực tại, đất nền nằm trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đã hiếm, nhưng đất nền thương mại lại còn gặp phải vấn đề “siêu khan hiếm”. Đất nền thương mại - đang được phát triển theo hình thái Shophouse có lợi thế vượt trội hơn hẳn, khi loại hình này đáp ứng cùng lúc hai nhu cầu kinh doanh - cho thuê kinh doanh với các điều kiện thuận lợi để tạo ra nguồn sinh lợi ổn định. Trên thực tế, quỹ đất này đã được các “ông lớn” bất động sản âm thầm thu mua ngay khi có quy hoạch các tuyến đường giao thông quan trọng. Khảo sát quanh khu vực cho thấy, quỹ đất nền thương mại nằm dọc trục tuyến Lê Văn Lương – Tố Hữu hiện nay hầu như không còn.

Minh chứng sáng giá cho mô hình này phải kể đến Shophouse Vạn Phúc là dự án tọa lạc ngay ngã tư Vạn Phúc Hà Đông, trên mặt đường Tố Hữu sở hữu mặt tiền kinh doanh rộng 6m. Với những ưu điểm nổi bật, dự án luôn nằm trong quỹ hàng được giới đầu tư săn đón, đây cũng là dự án được giới đầu tư đánh giá là dự án có vị trí “siêu khan hiếm” trên thị trường khu vực này và đã cháy hàng chỉ sau 03 tháng giao dịch trên thị trường

Shophouse 24h - Đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiền tại phía Tây Hà Nội
Shophouse 24h - Đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiền tại phía Tây Hà Nội

Trong con mắt khó tính của giới đầu tư thì đây thực sự vẫn là quả trứng vàng “bền vững”. Đứng trước bài toán lợi nhuận lâu dài thì những quả trứng vàng này quả thực sự đang ngày càng khó khăn hơn để sở hữu. Và trong tương lai, có lẽ “con gà” Lê Văn Lương - Tố Hữu sẽ khó có thể đẻ thêm những quả trứng vàng tương tự.

Thế Hải

Tag :đường Lê Văn Lương, nhà đầu tư, mô hình kinh doanh, shophouse

FLC lập hãng hàng không Tre Việt với số vốn 700 tỷ đồng

Được biết, toàn bộ 700 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt do Tập đoàn FLC đóng góp. Doanh nghiệp mới sẽ có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không dân dụng và sẽ vận chuyển khách tới các điểm du lịch mà FLC đang khai thác.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, đến nay Cục vẫn chưa nhận được hồ sơ hay văn bản thủ tục nào của đơn vị nói trên. Cục Hàng không Việt Nam chưa nhận được thông tin về việc này.

Thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút nhiều đơn vị tư nhân tham gia
Thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút nhiều đơn vị tư nhân tham gia

Nghị định 92/2016 về quy định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là 100 tỷ đồng.

Với Hàng không Tre Việt, vốn điều lệ công bố là 700 tỷ đồng, chiếu theo Nghị định 92, hãng này đủ điều kiện khai thác vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế. Quy mô vốn này cho phép hãng sử dụng và khai thác tối thiểu 10 máy bay và tôi đa là 30 máy bay.

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Tuy nhiên các hãng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ thì mới được cấp phép hoạt động.

Hiện nay, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm thị phần nội địa cao nhất, rồi tới Vietjet.

Mới đây, Vietstar Air được biết tới với mục tiêu trở thành hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam, hướng tới thị trường nội địa trên trục bay Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Vietstar đã trình hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Theo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, hồ sơ của Công ty Vietstar đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách. Tuy nhiên, do sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải nên Chính phủ đưa ra ý kiến tạm thời chưa lập thêm hãng hàng không mới.

Hồi đầu tháng 4, Thương vụ AirAsia “bắt tay” với Hãng hàng không Hải Âu đang dần được hé lộ khi Tập đoàn hàng không giá rẻ của Malaysia thông báo tới các cổ đông về kế hoạch liên doanh với Tập đoàn Thiên Minh (TMG) để khai thác hàng không giá rẻ ở thị trường nội địa Việt Nam.

Trao đổi với PV Dân trí về sự liên doanh hợp tác nói trên nhằm thành lập hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định chưa nhận được hồ sơ đăng ký thành lập hãng hàng không mới, phía Hải Âu cũng chưa có kiến nghị nào gửi Cục việc thay đổi giấy phép hoạt động hàng không.

Trên thực tế, Việt Nam đang mở rộng thị trường hàng không và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng hàng không nội địa, tuy nhiên trong những năm qua nhiều hãng hàng không tư nhân đã không thành công trong hoạt động kinh doanh này, một số hãng đã “chết” yểu, như: Indochina Airlines, Trãi Thiên, Air Mekong.

Châu Như Quỳnh

Tag :hãng hàng không tư nhân, kinh doanh hàng không, hàng không Tre Việt

Lọc dầu Dung Quất được định giá 3,2 tỷ USD trước IPO

Trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD.

Trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD.

Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành và quản lý nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cổ phần hóa.

Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.880 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để Công ty TNHH một thành viên Lọc Hóa dầu Bình Sơn thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.

Trước đó, ngày 6/11/2015, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra Quyết định cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Việc triển khai cổ phần hóa Công ty BSR là thực hiện chủ trương của Chính phủ.

Theo báo cáo từ BSR, sản lượng sản xuất của BSR từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD. Trong đó, số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư 3 tỷ USD ban đầu.

Trong 3 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %. Hệ số bảo toàn vốn là 1,091.

Dự kiến BSR sẽ IPO trong quý IV năm nay và sẽ chào bán khoảng 5 – 6% cổ phần, còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu. Song song với đó, BSR cũng tìm đối tác chiến lược phát triển hoá dầu mua trên 36%.

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo BSR cho biết, là công ty có quy mô vốn lớn nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, BSR sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ, nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng, kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.

Lãnh đạo đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng cho biết thêm rằng, thời điểm này, BSR mới cổ phần hoá thì đã muộn và điều kiện khó khăn hơn rất nhiều so với thời điểm "hoàng kim" của ngành dầu khí nhưng "không thể không làm".

Phương Dung

Tag :ipo lọc dầu dung quất, lọc dầu dung quất, pvn

Lãi lời trên thảm cỏ golf...: “Luật” giá trên sân

Cuối tuần, “hốt bạc”

Xuất hiện trên sân golf phần lớn là các doanh nhân. Ở đây, họ không chỉ được thu được những lợi ích về tinh thần, sức khỏe mà có khi còn có thêm nhiều mối quan hệ, từ đó thu được những lợi ích khó đong đếm về vật chất. Vì thế, câu chuyện phí dịch vụ trên sân nhiều khi không phải là chuyện lớn đối với các golf thủ.

Với đặc thù của đối tượng và thời gian chơi nên hầu như sân golf nào cũng có bảng phân chia giá thời điểm chơi vào ngày thường và cuối tuần phục vụ golf thủ. Theo những bảng báo giá hiện diện trên các website của các sân golf, giá cuối tuần và giá ngày thường chênh lệch lên tới... 200%. Thậm chí, có những sân golf bán loại thẻ một năm không có mục nào ưu tiên cho người chơi vào ngày cuối tuần. Điều này đồng nghĩa với việc, dù có là hội viên, vào những ngày cuối tuần, người chơi cũng được coi như khách vãng lai, phải trả chi phí đắt gần gấp đôi so với hội viên.

Cá biệt có những sân báo giá theo từng ngày, bắt đầu từ thứ 2, có nơi còn đề biển giá theo từng buổi chơi, sáng, trưa, chiều mỗi ngày - đều có mức giá khác nhau. Trong đó giá dành cho khách khác, cho hội viên các cấp cũng khác.

Ví dụ ở sân Đồng Mô (Hà Nội), cứ mỗi ngày sau thứ 2 sẽ cộng thêm 200.000 đồng tiền phí chơi; do vậy, đến ngày cuối tuần, giá chơi các loại hố đã tăng thêm khoảng 70 - 80% so với ngày đầu tuần.

Ngoài ra, ở tất cả các sân, ngoài tiền phí sân chơi (thường là trên 1 triệu vào ngày thường và khoảng từ 2-4 triệu vào cuối tuần, tùy từng sân), khách chơi golf thường phải trả thêm phí caddie và phí đặt caddie, có nơi còn bắt buộc khách phải thuê xe di chuyển của sân khi chơi ở những khu vực quy định (giá thường là 500.000 đồng/xe/buổi). Giá phí cho caddie (nhân viên phục vụ trên sân) cũng chênh lệch nhau khá nhiều, từ 300.000 - 900.000 đồng.

Cụ thể, ở miền Bắc, giá sân trung bình chơi vào ngày thường ở Đại Lải, Chí Linh, Long Biên… vào khoảng 1.700.000 đồng/lần chơi; thấp hơn một chút thì có sân Asean (Thạch Thất, Hà Nội), Flamengo (Vĩnh Phúc) rơi vào khoảng 800-850.000/lần chơi. Cao cấp hơn (với giá dao động trên 2 triệu/lần) là FLC Sầm Sơn, Phoenix (ở Hòa Bình), Sky Lake (Chương Mỹ, Hà Nội), BRG Kings (giới chơi golf vẫn quen gọi là sân Đồng Mô, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có giá 3.300.000 đồng/lần chơi.

Cũng theo bảng tính này, vào ngày cuối tuần, giá sân trung bình rơi vào khoảng 2.500.000 đồng/lần chơi; cao cấp hơn sẽ ở mức tiệm cận 3.000.000 đồng/lần chơi và cao cấp nhất sẽ lên tới 4.400.000/lần chơi (sân Đồng Mô). Ở miền Trung, giá chơi golf dao động cũng lớn như miền Bắc và tùy theo việc golf thủ có thẻ hội viên hay không. Cụ thể, giá dành cho khách dao động từ 1.300.000 đồng/lần chơi (sân Cửa Lò) đến 2.900.000 đồng/lần chơi (sân Đà Nẵng) vào ngày trong tuần, cuối tuần sẽ từ 1.800.000 - 4.300.000/lần chơi. Giá cả các sân golf ở miền Nam không chênh lệch quá nhiều, lại khá thấp so với miền Bắc, chỉ ở mức từ 1.000.000 - 1.800.000 đồng/lần chơi dành cho khách chơi trong những ngày trong tuần; ngày cuối tuần từ 1,6 - 2,8 triệu.

Cao cấp như sân golf Long Thành cũng chỉ ở mức 2,9 triệu dành cho khách chơi cuối tuần, 2,2 triệu dành cho hội viên chơi ở sân 36 lỗ (sân có mức giá cao nhất). Tuy nhiên, sân Bluss Hồ Tràm (Bà Rịa Vũng Tàu) lại có giá vượt lên khá cao so với mức chơi trung bình ở miền Nam. Đặc biệt, sân golf này không công khai cụ thể giá trên website nhưng theo nhiều nguồn tin, giá với khách vãng lai chơi ở Hồ Tràm luôn ở mức hơn 4 triệu/lần; còn giá hội viên thì sẽ tùy từng trường hợp, không có giá cố định.

Có khi “đút túi”... 1 tỷ đồng/ngày

Với giá cả và chi phí nêu ở trên, nhiều tính toán cho thấy, với mỗi một người chơi golf, chi phí trung bình cho một năm có thể lên tới 200 triệu đồng. Một chuyên gia chuyên huấn luyện cho các golf thủ cho biết, giá chơi golf ở thế giới không đắt như ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, hiện Việt Nam đang có khá nhiều sân tập với mức giá khá hợp lý. Và vị này nhấn mạnh, Việt Nam nên xây dựng nhiều sân golf công cộng để phát triển phong trào hơn là đầu tư những sân golf riêng với mức giá luôn cao “ngất ngưởng”.

Theo tiết lộ của một nhân viên chuyên tháp tùng một giám đốc đến các sân chơi golf thì có những ngày cuối tuần, một sân golf có thể đón khoảng 500 - 700 golf thủ cùng chơi, có thời điểm không thể đặt được sân do quá tải.

Như vậy, nếu tính theo ngày, trung bình một ngày một trận, giá ngày thường dao động khoảng 1,5 triệu/người, giá cuối tuần trung bình khoảng 2-3 triệu/trận/golfer, thì số thu nhập mà những ông chủ sân golf thu được có thể lên tới 1 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, doanh thu từ các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn, bán dụng cụ và quần áo chơi golf..., sẽ góp cho chủ đầu tư một lượng thu nhập không nhỏ.

Tuy đã có thu nhập khá lớn từ phí sân chơi vào cuối tuần nhưng các chủ đầu tư sân golf còn có một nguồn thu nhập khá lớn khác đến từ việc kinh doanh thẻ hội viên, mà mỗi thẻ bán ra có thể lên tới 1-2 tỷ đồng.

Theo Hoàng Tú
Pháp luật Việt Nam

Tag :giới nhà giàu, kinh doanh golf, chơi golf

Chủ tịch NAPAS được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Thanh toán

Ngày 31/5, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1062 bổ nhiệm ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện 100% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) giữ chức Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kể từ ngày hôm nay (1/6).

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện 100% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam giữ chức Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện 100% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam giữ chức Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, với Ngân hàng Trung ương của bất cứ quốc gia nào, thanh toán là một trong ba trụ cột chính bên cạnh trụ cột về chính sách và Thanh tra, giám sát, cùng với những mảng công việc khác. Trong những năm qua, NHNN Việt Nam luôn quan tâm đến những trụ cột này trong đó có lĩnh vực thanh toán và đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của lĩnh vực thanh toán, đồng thời để phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thống đốc mong muốn và tin tưởng rằng, trên cương vị mới, đồng chí Phạm Tiến Dũng với trình độ được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực Công nghệ thông tin và những kinh nghiệm thực tiễn tại NAPAS, sẽ phát huy tố chất, trí tuệ, và năng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

An Hạ

Tag :vụ trưởng vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, Phạm Tiến Dũng