Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo VCCI, Dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện từ chỗ EVN không được quyết định theo Quyết định 69 đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm. Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.
Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm, nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Như vậy, việc trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương lên đến 40% là khá cao so với mức biến động giá bình thường.
VCCI cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện (3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây) và giảm biên độ tối thiểu điều chỉnh giá điện (tăng 3% thay vì 7% so với trước đây) là sự thay đổi phù hợp. Điều này giúp cho giá điện sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn, bám sát diễn biến của các chi phí đầu vào và giúp EVN chủ động hơn trong việc điều hành sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá như vậy, cũng cần giảm ở mức tương ứng thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương. Nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo Dự thảo, giá điện được tính toán dựa trên các chi phí phải bỏ ra để đưa điện đến với người mua gồm chi phí mua điện; chi phí dịch vụ: dịch vụ truyền tải, dịch vụ phân phối –bán lẻ, dịch vụ điều độ, điều hành giao dịch thị trường, quản lý chung; và chi phí khác (bao gồm cả chênh lệch tỷ giá). Cách tính giá dựa trên chi phí như vậy là hợp lý trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, cần kiểm soát tốt hơn đối với các chi phí đầu vào cấu thành vì có thể dẫn đến nguy cơ các chi phí này được đẩy cao lên dẫn đến giá điện cuối cùng tăng cao.
VCCI cho rằng, chi phí mua điện được xác định dựa trên thị trường điện các cấp độ và hợp đồng mua bán điện. Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực, hiện nay mới chỉ có khoảng 50% công suất phát của các nhà máy phát điện thực hiện cơ chế chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh, còn 50% sản lượng điện vẫn được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện mà không phải chào giá. Đối với trường hợp mua điện theo hợp đồng này, do không có sự cạnh tranh nên việc kiểm soát giá mua điện cũng phải được thực hiện tượng tự như đối với các hàng hóa độc quyền Nhà nước khác.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể về cách tính chi phí (chi phí nào được ghi nhận, chi phí nào không), và công khai các chi phí của các đơn vị bán điện cho EVN mà không chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh trong báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện. Ví dụ, đối với việc mua điện theo hợp đồng của các nhà máy điện BOT cần có sự công khai rõ ràng về chi phí xây dựng, vận hành của từng nhà máy. Tương tự đối với các trường hợp mua điện theo hợp đồng khác.
Theo VCCI, cơ quan soạn thảo cũng cần bổ sung quy định về việc công khai chi phí của đơn vị cung cấp dịch vụ trong báo cáo về chi phí sản xuất kinh doanh điện và quy định cách xác định chi phí biến động tỷ giá dựa trên các thông tin khách quan.
Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại dự thảo thành "việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của bên bán điện, bên mua điện và có sự kiểm soát của Nhà nước". Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các biện pháp để bên mua điện có thể tham gia vào cơ chế điều chỉnh giá điện tại tất cả các khâu từ tính toán, kiểm tra cho đến kiến nghị, đàm phán phương án điều chỉnh giá điện qua nhiều hình thức khác nhau.
Cụ thể: Bổ sung quy định về công khai văn bản báo cáo của EVN gửi cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hàng quý và hàng năm về chi phí sản xuất kinh doanh điện trong thời gian trước đó và tính toán giá bán điện bình quân theo công thức. Sau khi báo cáo này được công bố, Bộ Công Thương dành thời gian để các đơn vị sử dụng điện (doanh nghiệp và hộ gia đình) xem xét các thông tin trong báo cáo này. Các đơn vị sử dụng điện sẽ có quyền gửi ý kiến về báo cáo của EVN và kiến nghị về việc giảm hoặc mức điều chỉnh giá điện.
Đồng thời, đền nghị bổ sung quy định bắt buộc mời đại diện của bên mua điện gồm một số doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn (như Hiệp hội Thép, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội cơ khí…), đại diện Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức xã hội khác trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Phương Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét