Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Ngân hàng thừa tiền, lãi suất huy động vẫn tăng

Theo thông báo từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nếu khách hàng gửi tiết kiệm theo chương trình quà tặng 2016, lãi suất các kỳ hạn sẽ cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường của ngân hàng này khoảng 0,3-0,4%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng đều ở mức 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 6,1%/năm...

Kể từ ngày 5/9, Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm 0,1%, lên 7,1%/năm. Còn kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,5% lên 7,8%. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,2% khi khách gửi 18 tháng.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng mới công bố biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ 1/9 tăng nhẹ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn. Hiện lãi suất niêm yết cao nhất của ngân hàng là 7,7% với kỳ hạn 36 tháng.

Một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng, các ngân hàng vẫn đang chịu sức ép tăng lãi suất huy động, đặc biệt là khối ngân hàng nhỏ và vừa. Trước đó, một loạt ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm từ 0,1% - 0,4%/năm.

Ngân hàng thừa tiền, lãi suất huy động vẫn tăng

Ngân hàng thừa tiền, lãi suất huy động vẫn tăng

Với các đợt điều chỉnh tăng dần đều của lãi suất huy động, giới chuyên gia lo ngại, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp cần vốn để sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu tết của người dân.

Dù theo một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong tháng 8, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đà giảm ở cả ba kỳ hạn. Từ mốc quanh 5% ở cả ba kỳ hạn hồi đầu năm 2016, đến nay mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục đi theo chiều hướng giảm về mức thấp nhất trong lịch sử (dưới 0,8% ở cả ba loại kỳ hạn).

"Diễn biến lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử những tuần vừa qua cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng không chỉ tiếp tục được duy trì mà còn đang tăng lên.

Với trạng thái nguồn tiền trong hệ thống như hiện nay, chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn", bản tin của Bảo Việt cho hay.

Trong khi ngân hàng dư thừa tiền thì doanh nghiệp lại thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tính đến 31/7, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7 triệu 489 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.

Tính đến cuối tháng 8, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 10,5% so với đầu năm 2015. Vốn huy động từ hệ thống các TCTD tăng khoảng 11% so với đầu năm, song tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá bước trong quý III. Trong đó, tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Nợ xấu tính đến tháng 6/2016 toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm 2015. Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay: Từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD.

Mặt bằng lãi suất về cơ bản diễn biến ổn định, từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Nguyễn Hiền

Tag :lãi suất huy động, dư nợ tín dụng, tăng lãi suất, mặt bằng lãi suất, lãi suất cho vay, ngân hàng bản việt, xuất nhập khẩu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét